Quyết định kháng nghị tái thẩm số 1/2012 của Chánh án TAND tối cao do Phó Chánh án Nguyễn Sơn ký thay ngày 10/2 vừa qua đã chỉ ra một loạt sai phạm trong công tác xét xử của 2 cấp tòa tại huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng về việc giải quyết vụ kiện hành chính của ông Đoàn Văn Vươn với quyết định thu hồi đất của chính quyền huyện.
Án sơ thẩm phiến diện
Sau khi xử phạt hành chính 1 triệu đồng về hành vi lấn chiếm này, ngày 9/4/1997 UBND huyện Tiên Lãng có quyết định giao bổ sung diện tích đất đó cho ông Vươn sử dụng trong thời hạn 14 năm, tính từ ngày giao 21ha đầu tiên.
Tháng 6/2007, gần hết thời hạn giao đất, ông Vươn có đơn xin tiếp tục được giao đất nhưng UBND huyện Tiên Lãng không cho, ra thông báo là ngưng đầu tư. Ngày 23/4/2008, huyện ra Quyết định 460 thu hồi 21 ha đất đầm. Tiếp đó, ngày 7/4/2009, huyện tiếp tục có Quyết định 461 thu hồi nốt hơn 19 ha đất đầm còn lại.
Không đồng tình, ông khiếu nại Quyết định 461 nhưng UBND huyện Tiên Lãng đã bác khiếu nại. Vì thế, tháng 8/2009, ông đã khởi kiện vụ án hành chính ra tòa Tiên Lãng, yêu cầu hủy quyết định nêu trên. Theo ông Vươn, quyết định thu hồi của huyện là sai vì chưa hết thời hạn giao đất. Nếu hết thời hạn phải chuyển sang giao hoặc cho thuê…
Cuối tháng 1/2010, tòa án huyện Tiên Lãng xử sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của ông Vươn, quyết định giữ nguyên quyết định thu hồi đất của Tiên Lãng.
Nhận định về phán quyết này của tòa sơ thẩm, Chánh án TAND tối cao cho rằng, tòa án huyện Tiên Lãng đã không xem xét đầy đủ các quy định của pháp luật, chưa tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn về đất đai về tính hợp pháp của quyết định hành chính bị khởi kiện, quyết định giao đất ban đầu.
Theo đó, để làm rõ đúng - sai trong việc chính quyền huyện thu hồi diện tích đất của ông Vươn thì phải xem xét việc giao đất có đúng các quy định của pháp luật về đất đai hay không. Tòa sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ những vấn đề này mà đã bác đơn kiện của ông Vươn là không đúng.
"Kể cả khi coi việc thu hồi đất là đúng, mà tòa sơ thẩm không xem xét đến việc bồi thường thiệt hại cho người bị thu hồi, thì đó cũng được coi là lỗi chưa xem xét toàn diện vụ án" - kháng nghị tái thẩm nêu.
Ngoài ra, việc tòa sơ thẩm tuyên bố giữ nguyên quyết định thu hồi đất của huyện Tiên Lãng cũng được nhìn nhận là chưa đủ căn cứ, không đúng thẩm quyền của tòa án, trái quy định của luật tố tụng hành chính.
Tòa phúc thẩm xử lý… tùy tiện
Không tán thành với phán quyết này, ông Đoàn Văn Vươn đã kháng cáo lên TAND thành phố Hải Phòng. Tòa phúc thẩm dự kiến đưa vụ việc ra xét xử ngày 22/4/2010.
Do đó, phiên xử phúc thẩm vào ngày dự kiến, ông Vươn vắng mặt. Cho rằng ông đã rút kháng cáo nên HĐXX ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, tuyên bản án sơ thẩm có hiệu lực.
Về cách giải quyết này của cấp phúc thẩm, kháng nghị chỉ ra hàng loạt sai phạm. Trước hết, tòa thành phố không thể gộp vụ ông Vươn với ông Luân làm một, vì như thế là chưa tạo điều kiện cho ông Vươn với UBND huyện Tiên Lãng thỏa thuận giải quyết vụ kiện.
Về hiệu lực của đơn xin rút kháng cáo, dù nhận đơn với điều kiện nêu ra rõ ràng của đương sự, tòa phúc thẩm không làm việc với UBND huyện Tiên Lãng để biết ý kiến của cơ quan này về điều kiện rút đơn kháng cáo của người đi kiện là không đúng với quy định của pháp luật tố tụng.
Trực tiếp nhất, tại phiên xét xử vắng mặt ông Vươn, tòa không làm rõ việc rút đơn có tự nguyện hay không, ý kiến các bên thế nào. Chánh án tòa tối cao phân tích, lẽ ra tòa phải hoãn phiên xử, triệu tập đương sự để làm rõ nội dung rút đơn, giải thích cho các bên hiểu về hậu quả của việc rút đơn…. Tòa không thực hiện các động tác này, vẫn xử phúc thẩm là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Vươn.
Quyết định kháng nghị cũng đặt giả thiết: "Giả sử giữa ông Vươn và Tiên Lãng có thỏa thuận tự nguyện thực hiện các thỏa thuận thì tòa cũng không thể ra quyết định đình chỉ vụ án, mà phải tuyên hủy bản án sơ thẩm để các đương sự tự giải quyết".
Chưa hết, đến tháng 6/2010, khi ông Vươn có đơn gửi tòa hỏi phải tiếp tục làm gì để được thuê đất thì người ký công văn trả lời cho ông Vươn là Thẩm phán Ngô Văn Anh, thành viên HĐXX phúc thẩm. Việc này, tòa án tối cao cũng nhận định là vượt thẩm quyền của chánh án. Lẽ ra, khi nhận được đơn hỏi của ông Vươn về nội dung này, tòa phải xác định UBND huyện Tiên Lãng đã không thực hiện cam kết thỏa thuận như đơn của ông Vươn trình bày.
Tòa chưa tiến hành các thủ tục cho các bên thảo thuận là sai lầm. Đáng ra phải hướng dẫn để đương sự có đơn đề nghị xét lại quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm không đúng hoặc phải báo cáo người có thẩm quyền để kháng nghị hủy quyết định này.
Từ việc chỉ ra nhiều sai phạm chồng chất của các cấp tòa như vậy, Chánh án TAND tối cao đã quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa Hành chính TAND Tối cao tái thẩm vụ án hành chính của ông Đoàn Văn Vươn kiện UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng theo hướng tuyên hủy bản án hành chính sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng, để giải quyết lại từ đầu vụ kiện.
P.Thảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét