Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Chuyện về “tấm huy chương đồng” từ dưới lên của Bộ GTVT


(Dân trí) - Xếp thứ 12/14 danh sách "chấm điểm" MEI 2011, Bộ Giao thông Vận tải nhận được "tấm huy chương đồng" tính từ dưới lên. Tuy nhiên, căn nguyên của tấm "huy chương" này là gì là chuyện còn phải bàn dài.

Từ sự ngạc nhiên của ngành...

Kết quả Chỉ số hiệu quả về hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI 2011) được công bố hồi cuối năm ngoái đã khiến giới chức ngành giao thông phải giật mình, nhưng đối tượng chịu tác động từ những văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng là các doanh nghiệp (DN) thì dường như vẫn đang đứng "bên lề", dù đó đều là những cơ sở quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ.
 

Bộ GTVT cho rằng các VBQPPL về cơ bản là khó và động chạm đến người dân

Tại buổi đối thoại chính sách giữa Bộ GTVT và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) với đại diện một số Hiệp hội và DN được tổ chức mới đây, đã có không ít người đặt ra mối quan tâm sâu xa khi Bộ này bị xếp vị trí áp chót danh sách là thứ 12/14 MEI 2011 (đứng trước Bộ Xây dựng và Bộ Tài Nguyên và Môi trường - PV), bởi vậy cụm từ "huy chương đồng từ dưới lên" đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần.

Trước những phân trần của giới chức Bộ GTVT, Trưởng ban Pháp chế VCCI - ông Trần Hữu Huỳnh đã "động viên" rằng: "Trong bảng xếp hạng MEI 2011, Bộ GTVT xếp thứ 12 nhưng điều này cũng không có nhiều ý nghĩa bởi khoảng cách giữa các Bộ, ngành được xếp hạng là không lớn".

Trên thực tế, 2 nhóm các hoạt động mà Bộ GTVT bị các DN đánh giá thấp với số điểm dưới trung bình là việc lấy ý kiến đối tượng chịu tác động khi soạn thảo VBQPPL và quá trình kiểm tra, rà soát kết quả thi hành pháp luật. Đây cũng chính là những vấn đề được các chuyên gia VCCI khuyến nghị Bộ GTVT cần tập trung cải thiện nếu muốn tăng Chỉ số MEI trong những năm tới.

Liên quan đến vị trí xếp hạng này, trả lời Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Hội nghị Tổng kết năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012, bà Trịnh Minh Hiền - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: "Theo nhận xét về MEI 2011 thì những Bộ đứng cuối bảng xếp hạng (trong đó có Bộ GTVT) về cơ bản các VBQPPL đều rất khó và động chạm đến người dân nên có những mặt phức tạp riêng, qua đây cũng cần phải cố gắng hơn.

Tôi cũng đã điểm qua về vấn đề sinh VBQPPL thì cũng không phải là quá kém và đứng ở vị trí 9/14, nhưng 2 vấn đề yếu của Bộ GTVT là cung cấp thông tin và tuyên truyền phổ biến đối với DN đứng thứ 14/14, việc rà soát kiểm tra và tổng kết thi hành pháp luật cũng đứng ở vị trí 14/14".

Mặc dù tỏ ra ngạc nhiên khi Bộ này bị xếp thứ hạng rất thấp trong việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động dù tất cả các VBQPPL của Bộ GTVT đều đã được đăng tải công khai trên website trước 60 ngày theo quy định, bà Hiền cũng phải thừa nhận hiếm khi nhận được các ý kiến góp ý cho những dự thảo VBQPPL được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ.

… đến phản hồi từ doanh nghiệp

Trong khi đó, tại buổi đối thoại, đa số những phản hồi của một số hiệp hội đều cho rằng những đánh giá, xếp hạng MEI 2011 có độ chính xác cao. Khá nhiều lãnh đạo các hiệp hội đưa ra quan điểm về việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động của Bộ GTVT mới chỉ đủ theo trình tự quy trình ban hành VBQPPL chứ chưa thực sự quan tâm đến đề xuất, góp ý của DN.
 
Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì cách cung cấp thông tin và tuyên truyền phổ biển
VBQPPL của Bộ GTVT

Ông Hồ Kim Lân - Tổng Thư ký Cảng biển Việt Nam cho hay: "Việc chờ đợi DN phản hồi trên website như Bộ GTVT làm hiện nay là khá thụ động, bởi không phải lãnh đạo DN hay hiệp hội nào cũng có đủ thời gian để hàng ngày mở trang thông tin của Bộ ra góp ý về văn bản. Chưa cần bàn tới những hội thảo tốn kém thời gian và tiền của, Bộ GTVT chỉ cần gửi e-mail cho tất cả các DN và hiệp hội cần xin ý kiến thì chắc chắn số lượng phản hồi sẽ lớn hơn".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA) lại cho rằng không ít ý kiến góp ý xây dựng chính sách liên quan đến lĩnh vực vận tải trong quá khứ không được một số cơ quan soạn thảo quan tâm đúng mức, các cơ quan soạn thảo VBQPPL không nên chỉ tính tới những lợi ích mang lại cho công tác quản lý mà còn phải cân nhắc xem quyết định đó sẽ hỗ trợ được gì cho các DN.

"Khi nhận được ý kiến phản biện, cơ quan soạn thảo cũng nên trả lời vì sao không chấp nhận chứ không nên buông mỗi câu: lãnh đạo Bộ đã quyết thế, vì nếu đã quyết thế thì hỏi ý kiến chúng tôi làm gì!?" - ông Thanh bức xúc.

Chia sẻ với Bộ GTVT về những khó khăn khi xây dựng văn bản luật, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, việc vận tải đường bộ bị thả lỏng trong 1 thời gian dài nay xiết lại đương nhiên sẽ gây bức xúc cho DN, tuy nhiên nếu Bộ GTVT và các hiệp hội phối hợp tốt hơn, các chính sách được cho là đúng đắn như việc cấp bằng lái FC, quản lý xe khách bằng hộp đen… sẽ dễ đi vào cuộc sống thay vì thời hiệu áp dụng phải điều chỉnh.

Trước những ý kiến xây dựng có tính hợp lý cao của các hiệp hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên yêu cầu các cơ quan soạn thảo VBQPPL của Bộ cần phải xem xét lại phương thức lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, đồng thời có giải pháp nâng cao công tác trợ giúp pháp lý cho các DN hoạt động trong lĩnh vực GTVT.

"Lãnh đạo Bộ GTVT rất coi trọng những đánh giá trong MEI 2011, đây là kênh thông tin quan trọng để chúng tôi xây dựng một môi trường pháp lý về kinh doanh hoàn thiện hơn" - Thứ trưởng Trương Tấn Viên cầu thị.

Quỳnh Anh

1 nhận xét: